Thiet ke web

Chỉ mong không còn ai dửng dưng cứa vào tim người khác...

Thấy đôi vợ chồng hàng xóm khoác tay nhau đi dạo buổi tối, mẹ tôi cứ nhìn mãi, nhìn đến khi họ đi xa tầm mắt mà mẹ vẫn nhìn vào khoảng không xa vời vợi. Mẹ nhìn trong im lặng nhưng ánh mắt của mẹ đã nói lên tất cả. Mẹ tôi chẳng bao giờ nói ra, nhưng tôi biết, mẹ luôn khao khát yêu đương, khao khát một vòng tay ôm ấp, một bờ vai để dựa dẫm, nương nhờ. Trái đất một năm có bốn mùa xuân, hạ,thu,đông, nhưng mẹ tôi lại luôn phải chống chọi với "cái lạnh gia tộc" tê tái trong suốt mười mấy năm trời. Con không ngờ rằng khi nghe những câu chuyện ấy, con lại khóc dữ đến vậy. Khóc mà như muốn hét lên, khóc mà như muốn nổ tung mọi thứ để rồi sẽ không còn ai dửng dưng cứa vào tim người khác, không còn ai phải sống mà lặng thầm khổ đau.

- U ơi, cơm đâu ạ?

- Hết cơm rồi, hôm nay chỉ ăn ngô thôi, mai u mới đong được gạo.

T chán nản nhai cố bắp ngô luộc trên tay. Toàn thân nóng hầm hập sau khi đội cái nắng từ trường về đến nhà, T cứ nghĩ sẽ có cơm ăn thay cho mấy ngày ròng rã toàn ngô, nhưng hóa ra vẫn là cái mùi ngô mà chỉ ngửi thấy, T đã ngán đến tận cổ. Mấy lần u nói sẽ có gạo đong mà u đã đong đâu?


T sinh ra trong gia đình đông anh em. Lúc T sinh ra thì mấy anh chị lớn đã cưới xin hết rồi. Nhà làm ăn ban đầu cũng kha khá, sau vì nhiều con quá mà sinh ra thiếu ăn. T là người duy nhất trong nhà được học đến cấp 3. Cũng bởi vì nó học hành xuất sắc, lúc nào cũng được cô giáo khen, lúc nào cũng được lên lớp nên mẹ T, dù muốn con nghỉ học để đỡ tiền, nhưng không nỡ. T còn nhớ như in lần mẹ T tâm sự với một bác hàng xóm: "Đang mong nó đúp để cho nó nghỉ học đi làm ruộng, thế mà nó lại lên lớp...".

T không hiểu vì sao mấy đứa con trai trong lớp T lại hay giúp đỡ T đến vậy. Đứa thì xin xách hộ cho cái cặp, đứa thì cho T mượn cái mũ che nắng. Chúng nó hay nhìn T cười. Mấy lần chúng nó định rủ T đi chơi nhưng T đều từ chối, nó nói: Thầy u không cho tao đi chơi".

Rồi chẳng biết từ lúc nào, T đã lớn, bạn bè chúng nó đã cưới xin gần hết rồi, còn mỗi T, "chẳng lẽ mày định ở đến già với thầy u hay sao?". T hơi hoảng, vì có bao giờ T đã dám yêu ai đâu? T thích có bạn trai, nhưng tính vốn rụt rè lại ngại sợ bạn bè trêu cười nên T chưa bao giờ dám thử. Thế rồi nhờ xếp mối, T gặp một anh chàng mặt mũi khá sáng sủa, lại nghe nói cậu này làm thợ điện ở quê cùng với quê ngoại của u. Thôi thì " cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy vậy".


Vào đúng ngày cưới của T, một cô gái tên Bình đã đến chúc phúc cho cô dâu chú rể. T thấy cô này lạ hoắc, đoán là người quen bên nhà chú rể. Điều làm T để ý đến cô ả là bởi cô ta cứ nhìn T chằm chằm từ đầu đến chân. Bắt gặp ánh mắt e dè và nụ cười gượng gạo của T, cô ta liền cong môi, nhướn mày, lẩm nhẩm cái gì đó rồi nhanh chóng quay đi chỗ khác, tươi cười tiếp tục cuộc trò chuyện, làm như cử chỉ vừa nãy chỉ thoáng qua như cánh ruồi mỏng manh vậy. Sự việc sẽ trở nên rất bình thường nếu cô ta không uống rượu đến say mèm rồi bắt chú rể chở cô về.

Trong đêm tân hôm đầu tiên của cuộc đời T mà chú rể đã bỏ mặc cô dâu để đưa cô gái tên Bình kia về nhà. Cô dâu chẳng thể nào giấu nổi những nỗi buồn đang dâng đầy nơi khóe mắt. Người bạn thân nhất của T nhìn cô, mắt cứ đỏ hoe. Thế rồi, như giọt nước làm tràn ly, họ ôm lấy nhau mà khóc. Hóa ra người con gái tên Bình ấy là "bồ" cũ của chú rể. T khóc vì cảm thấy lạc lõng trong một chốn lạ không ai quen biết; khóc vì mong muốn được trở về ngày xưa, ngày chỉ có ngô ăn thôi cũng được; khóc vì một dự cảm không hay về tương lai, khóc vì lúc ấy..... đã quá muộn để thay đổi.

Cái Tết đầu tiên bên nhà chồng.......

Không gian tết đã xốn xang, rộn ràng khắp chợ. Đi đâu T cũng thấy bó lá dong, hoa tươi, cành đào. Chợ ở đây vui thật! Nhưng, sau khi mở cánh cổng sắt nặng trịch, T lại cảm thấy buồn không thể tả: Không gian im lìm, vắng vẻ đến mức mà người ngoài nhìn vào chắc tưởng chủ nhà đã đi đâu mấy ngày liền, để nhà cửa trống hoác.


Cái cửa nhà mở to trống hoác, để lộ một cái bàn thờ không bó hoa tưới cắm Tết, không bát hương mới thay, không đĩa hoa quả, không chút đèn dầu, đèn thờ thắp lên. Bố mẹ chồng T là cặp vợ chồng lạ lùng nhất mà T từng thấy trên đời: ông bà không ưa nhau và cũng chẳng ai chịu ai.

30 Tết, vì ông chẳng đưa cho bà đồng nào sắm Tết nên bà cũng chẳng đả động gì đến việc Tết nhất. Kể cả khi gặp T bà cũng chẳng mấy khi hỏi han, trò chuyện với nàng dâu mới. T có hỏi về sắm tết, bà chỉ lạnh lùng bảo: "Mày muốn mua gì thì mua". Kể cả chồng T cũng chẳng thèm bàn bạc gì với T. T đành lẳng lặng mua tất cả mọi thứ: Nào lá dong, nào gạo, nào đỗ, nào thịt, muối, tiêu.

Tự thân ngồi gói bánh chưng mà nước mắt T cứ chảy dài. Nghe thấy tiếng cối giã bên kia hòa với tiếng nói cười rôm rả, tiếng gọi í ới bên xóm bên, T lại nhớ những ngày Tết khi còn ở bên u. T thèm khát được hòa mình trong tiếng nói cười ngoài kia, thèm được giã giò bên người thân, thèm được trêu chọc anh chị về quê ăn Tết. Chao ôi! Biết tìm đâu cái ngày xưa êm đẹp ấy.....


15 mùa sinh nhật của tôi đã qua cũng là 15 năm mẹ tôi âm thầm chịu đựng sống dưới mái nhà lạnh lẽo ấy. Bố tôi vẫn như thuở nào, vẫn lạnh nhạt và coi thường mẹ tôi. Hồi tôi còn nhỏ, tôi cứ nghĩ nó chỉ đơn thuần là một cuộc cãi vã giống như lũ trẻ con vẫn thi thoảng cãi nhau. Nhưng càng lớn tôi lại càng nhận ra rằng nó không chỉ đơn giản như trẻ con. Bao giờ sau những cuộc cãi vã cũng đều là những giọt nước mắt đắng cay mà mẹ tôi phải nuốt vào lòng.

Người ngoài nhìn vào, họ vẫn thấy mẹ tôi hay tươi cười, hay trò chuyện. Nhưng có mấy ai biết mẹ tôi hằng đêm vẫn khóc thầm nhớ về ngày xưa, nhớ về thời con gái mộng mơ, nhớ những ngày cùng bạn bè cắt cỏ chăn trâu nửa chừng tất tả chạy về vì sợ muộn học, nhớ về tuổi thơ má ửng hồng tuy nghèo đói nhưng nồng ấm tình người.


Thấy đôi vợ chồng hàng xóm khoác tay nhau đi dạo buổi tối, mẹ tôi cứ nhìn mãi, nhìn đến khi họ đi xa tầm mắt mà mẹ vẫn nhìn vào khoảng không xa vời vợi. Mẹ nhìn trong im lặng nhưng ánh mắt của mẹ đã nói lên tất cả. Mẹ tôi chẳng bao giờ nói ra, nhưng tôi biết, mẹ luôn khao khát yêu đương, khao khát một vòng tay ôm ấp, một bờ vai để dựa dẫm, nương nhờ. Trái đất một năm có bốn mùa xuân, hạ,thu,đông, nhưng mẹ tôi lại luôn phải chống chọi với "cái lạnh gia tộc" tê tái trong suốt mười mấy năm trời.

Mẹ ơi! Vào cái đêm mà con nằm cạnh mẹ, cái đêm mà mẹ đã kể cho con điều mà con luôn hỏi mẹ nhưng chưa bao giờ mẹ trả lời. Con luôn băn khoăn vì các bạn trong lớp con đều đã được nghe kể chuyện tình của bố mẹ nó, còn con thì mẹ chẳng bao giờ kể cả. Và đêm ấy mẹ đã kể cho con nghe tất cả, tất cả những điều mà mẹ chôn chặt trong 15 năm qua.

Con không ngờ rằng khi nghe những câu chuyện ấy, con lại khóc dữ đến vậy. Khóc mà như muốn hét lên, khóc mà như muốn nổ tung mọi thứ để rồi sẽ không còn ai dửng dưng cứa vào tim người khác, không còn ai phải sống mà lặng thầm khổ đau.


11 giờ đêm... con thao thức mãi vì những lời mẹ nói. Hóa ra đó là lý do vì sao bấy lâu nay con không được nghe mẹ kể về tuổi thanh xuân của mình, vì sao các bạn trong lớp được nghe kể, còn con thì không. Con đã luôn thắc mắc mãi cho đến ngày hôm ấy, con mới vỡ òa ra tất cả.

Đối với bố mẹ các bạn, đó là những thời gian đẹp đẽ, là những ký ức mang hơi thở của hạnh phúc và tình yêu. Còn đối với mẹ, nó giống như một nỗi buồn quá khứ mà mẹ luôn cất giấu, để con không phải suy nghĩ nhiều, để con không thấy ghen tỵ với các bạn, để con không cảm thấy tủi thân và giận dữ với bố, với ông bà. Và nếu mai này có nhắc lại, thì đó sẽ là bài học để con sáng suốt hơn trong việc tạo dựng cuộc sống.

Con đã hỏi mẹ sao mẹ lại phải chịu đựng bố làm gì, sao mẹ không tự mình tìm một con đường khác, một người đàn ông khác thương yêu mẹ, bởi nếu con là mẹ, con đã làm thế từ lâu. Nhưng mẹ đã mắng con, mẹ mắng con không hiểu, mẹ mắng con vì đời con gái mấy đời chồng thì để người ngoài cười chê ư. Mẹ đi thêm bước nữa thì ai quan tâm, chăm sóc các con? Mẹ đi thêm bước nữa thì... bố con mất mặt. Mẹ ơi! Sao mẹ vẫn thương cả người đã bỏ mặc mẹ sống trong đau khổ? Cuộc đời mẹ mới thực là đau khổ nhất. Bởi đó là cuộc đời mẹ luôn sống trong thiếu thốn: Khi thì thiếu thốn về vật chất, lúc lại quằn quại trong nỗi đau tinh thần. Con bỗng muốn mình lớn thật nhanh để báo ơn với mẹ.

Mẹ! Con viết lại cuộc đời của mẹ không phải là "vạch áo cho người xem lưng" đâu. Mà con muốn cho mọi người thấy con tự hào về mẹ.
Share on Google Plus

About Duy Nguyen

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét