Thiet ke web

Kinh nghiệm đi phượt từ A- Z dành cho phượt thủ

Hiện tại phượt đã trở thành một trong những sở thích của các bạn trẻ. Những chuyến đi phượt giúp bạn có nhiều sự trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm sống cũng cách xử lý các tình huống trên đường. Hãy cùng lên kế hoạch một cách chi tiết để chuyến đi thêm hoàn hảo bạn nhé!


(Ảnh: Internet)

Tìm hiểu trước về những cung đường sẽ đi

Đầu tiên, bạn cần tìm hiểu thật kỹ về cung đường mình sắp đi. Dùng Google map (bản đồ trên Google) để kiểm tra, đo khoảng cách và tham khảo một số người đã đi trước là ý tưởng hay. Nên định hình sơ bộ trong đầu khoảng cách từ nơi mình xuất phát tới điểm đó là bao xa, rồi từ đó tới các địa điểm thì mình sẽ đi như thế nào. Việc làm này giúp bạn nắm lộ trình các đoạn đường xấu để chuẩn bị cẩn thận hơn cho hành trình. Chẳng hạn, nên tránh đường quốc lộ 1A - nơi đang có đoạn thi công, rất xấu và lượng xe cộ lưu thông quá đông.


Nên lên trước kế hoạch những điểm cần sẽ đi qua trong chuyến hành trình. (Ảnh: Internet)

Cuối cùng và quan trọng nhất, bạn cũng nên ghi lại tất cả những gì hay ho, thú vị ở nơi mà mình sẽ đến, nó có điểm gì đặc sắc, điểm gì cần lưu ý, giá cả, v.v…Muốn cẩn thận hơn nữa, hãy hỏi những người có kinh nghiệm để họ góp ý thêm cho mình, chủ yếu là việc sắp xếp lịch trình di chuyển đã hợp lý chưa, biết đâu có gợi ý thêm về địa điểm khác…


Sắp xếp các địa điểm đi sao cho thuận tiện nhất, tránh lãng phí thời gian và công sức. (Ảnh: Internet)

Việc lên kế hoạch rõ ràng sẽ làm hạn chế các rủi ro cả team gặp phải, đảm bảo chuyến đi an toàn, đi được nhiều nơi nhất có thể, mọi người đủ sức để tận hưởng cuộc vui trọn vẹn.

Bạn sẽ phải mang theo những gì?

Phần lớn những gì bạn quyết định mang theo trong balô của bạn sẽ được dựa trên nơi bạn đến và những kiểu thời tiết bạn có thể sẽ gặp phải.


Mang vật dụng cần thiết cho chuyến đi, tránh mang nhiều cồng kềnh. (Ảnh: Internet)

Đồ bảo hộ

Áo mưa: Vật dụng này rất cần thiết nhưng nhiều bạn thường bỏ quên. Dạng thuận tiện nhất là áo mưa theo bộ (gồm quần và áo), tránh mua loại áo mưa cánh dơi.

Đồ bảo hộ: Một trong những loại đồ bảo hộ phổ biến nhất là giáp tay và chân. Bạn có thể mua qua mạng internet với giá dao động 500.000 - 600.000 đồng một bộ. Ngoài ra, mũ bảo hiểm nên dùng là loại full-face (trùm kín toàn bộ khuôn mặt) hoặc ít nhất diện tích phủ cũng phải 3/4 khuôn mặt.

Lưu ý là hạn chế dùng mũ bảo hiểm dạng thông thường vì khi đi đường gặp gió to, chúng rất dễ lật ngược ra phía sau hoặc làm bạn bị ù tai.


Một số đồ bảo hộ cần thiết nhất định phải mang theo khi đi phượt. (Ảnh: Internet)

Kính chống bụi: Nên mua loại lớn, ôm sát mặt, hoặc dùng kính bảo hộ riêng để chống bụi và gió. 

Kính râm thông thường dùng để đi trong phố sẽ chống bụi không tốt, gió dễ tạt, gây khô và đỏ mắt.

Giày: Khi chạy xe, bạn nên lưu ý mang giày giúp dễ điều khiển phanh và số. Ngoài ra, bạn cũng có thể chuẩn bị thêm một đôi giày đi mưa bọc bên ngoài để bảo đảm an toàn trong mọi điều kiện thời tiết.


Áo quần thoải mái để thuận tiện cho việc di chuyển. (Ảnh: Internet)

Lưu ý: Áo quần đi đường là áo quần phải thoải mái, hơi rộng một chút và bền. Ba lô sử dụng nên là loại lớn, đựng được nhiều đồ.

Giấy tờ tùy thân

Giấy phép lái xe: Thứ bắt buộc phải có nếu chuyến đi của bạn có một hành trình bất kỳ sử dụng xe máy, đây cũng là giấy tờ bạn có thể sử dụng thay thế CMND khi lên máy bay.

Đăng ký xe, bảo hiểm xe, giấy chứng nhận nộp phí đường bộ: Những thứ cần thiết để tránh gặp rắc rối với CSGT khi đi trên đường.


Xe máy phải luôn được bảo dưỡng kĩ càng trước khi lên đường. (Ảnh: Internet)

Hộ chiếu + CMND: Khi vào khu vực biên giới, theo quy định bạn sẽ phải xuất trình giấy tờ tùy thân với đồn biên phòng quản lý khu vực đó chính vì vậy bạn nên mang theo CMND, trong trường hợp ở một số cửa khẩu các bạn muốn sang phía bên kia biên giới du lịch thì bạn cần phải có thêm hộ chiếu.


Hộ chiếu & CMND là cái không thể thiếu khi bạn muốn vào khu vực biên giói. (Ảnh: Internet)

Nếu bạn không muốn mang theo tiền nhiều thì nhớ mang theo thẻ ATM, thường ở trung tâm các huyện sẽ có ATM của ngân hàng nên các bạn nhớ mang theo loại thẻ có thể rút được ở ngân hàng (hệ thống Smartlink là okie).

Nên ăn uống như thế nào trong suốt chuyến đi

Danh sách cần có gồm một chút bánh ngọt và nước uống. Mỗi khi dừng chân nghỉ ngơi, bạn nên ăn uống để giữ sức, bảo đảm luôn ở trạng thái tốt và tỉnh táo nhất. Dù thế nào đi nữa, hãy cố gắng tạo ra một kế hoạch ăn uống hợp lý sao cho cung cấp đầy đủ hàm lượng ca-lo để phục hồi năng lượng sau một ngày phượt mệt mỏi và đảm bảo tối thiểu 3 bữa/ngày.


(Ảnh: Internet)

Còn nếu bạn dư dả về hầu bao, chuyện ăn uống sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Miễn là quán ăn đó đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không có dấu hiệu “chặt chém” đối với khách thập phương là được.

Nơi dừng chân 

Chỗ ngủ: Đối với khách sạn, chi phí khoảng 150.000-200.000 đồng một đêm. 

Tổng: Chi phí ăn uống một ngày kết hợp với khách sạn sẽ rơi vào khoảng 300.000 đồng. Cộng thêm chi phí phát sinh (nếu có) 50.000 đồng và tiền xăng, bạn có thể dự trù ngân sách trung bình một ngày và đem nhân với số ngày trong hành trình để biết tổng số tiền phải chuẩn bị là bao nhiêu.


Ngủ lều là lựa chọn lý tưởng dành cho các phượt thủ. Ảnh: Internet)

Cũng có nhiều trường hợp điểm đến của bạn là một nơi thiên nhiên hoang dã, nằm xa khu vực dân cư. Hãy nhớ mang theo lều trại hoặc túi ngủ cũng như các kỹ năng sử dụng những món đồ đó để đảm bảo một giấc ngủ thật ngon nhé.


(Ảnh: Internet)
Share on Google Plus

About Duy Nguyen

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

1 nhận xét:

  1. Nếu đi chung với bên loop bike tours thì bạn sẽ bớt phải lo hơn vì bên này có nhiều kinh nghiệm đi phượt rồi

    Trả lờiXóa