"Nằm xuống ngủ chưa lâu thì tôi thấy bóng một người đàn ông cao lớn bước vào. Cái bóng ấy không nói không rằng, cũng không nhìn rõ mặt đổ ập xuống người tôi. Tôi cố vùng vẫy nhưng tay chân không thể cử động. Tôi muốn la hét nhờ đứa em nằm cạnh cứu giúp nhưng tuyệt vọng. Một tháng tôi gặp tình trạng này vài lần", chị Hiền, ngụ tại Q. Tân Bình, TP. HCM, kể về hiện tượng kỳ lạ mình gặp phải.
NGƯỜI CÕI ÂM CÓ THẬT KHÔNG?
Mẹ chị Hiền xót con thường xuyên bị bóng đè khiến tinh thần hoảng loạn, lại thấy chị mãi chưa lấy chồng đã tìm đến các thầy bói nhờ "soi lối chỉ đường". Các thầy nói chị có duyên âm nên người tình ở xứ diêm vương thường xuyên ghé về thăm, phải làm lễ, cống nạp mới cắt được mối duyên oan trái này. Mẹ chị nghe lời các thầy, đã tốn nhiều tiền vào chuyện cắt duyên nhưng chị Hiền vẫn bị bóng đè.
Khoa học quan niệm bóng đè không phải là sự hiện diện bí ẩn của ma quỷ hay duyên âm mà có cơ sở nghiên cứu hẳn hoi, được gọi là hiện tượng tê liệt khi ngủ. Nó có thể xảy ra một hoặc nhiều lần trong đêm. Hiện tượng tê liệt khi ngủ là cảm giác có một áp lực đè lên bạn. Bạn nhận thức được cảm giác này nhưng không thể vận động và nói chuyện. Hiện tượng này thường xảy ra từ vài giây đến vài phút trong khoảnh khắc giữa tỉnh và ngủ.
Không có chuyện người cõi âm hay ma quỷ quấy phá giấc ngủ của bạn
Các nhà khoa học giải thích, trong lúc ngủ, cơ thể có sự xen kẽ giữa giấc ngủ REM (rapid eye movement - mắt di chuyển nhanh) và giấc ngủ NREM (non-rapid eye movement - mắt không di chuyển nhanh) với chu kỳ kéo dài khoảng 90 phút. Giấc ngủ NREM xảy ra trước và chiếm 75% tổng thời gian ngủ, là lúc cơ thể được thư giãn và phục hồi. Vào cuối giai đoạn NREM, giấc ngủ chuyển đổi sang REM. Đôi mắt di chuyển một cách nhanh chóng và những giấc mơ xảy ra. Tuy nhiên, cơ bắp vẫn trong trạng thái bất động. Đó là lý do bạn vẫn ý thức được bóng đè nhưng không thể chống trả.
Hai nhà khoa học Patricia Brooks và John Peever thuộc Đại học Toronto, Canada, cho rằng hiện tượng tê liệt khi ngủ có liên quan đến các chất dẫn truyền thần kinh. Thông qua nghiên cứu trên chuột, các tác giả đã thử ngăn cản chất dẫn truyền thần kinh glycine nhưng tình trạng tê liệt vẫn diễn ra. Tiếp theo, Peever và Brooks ngăn chặn cả glycine cùng chất axit gamma-aminobutyric (GABA) và thấy hiện tượng đó chấm dứt. Như vậy, bóng đè do hai chất glycine và GABA gây ra.
BÓNG ĐÈ KHÔNG NGUY HIỂM
Bạn có thể uống trà thảo dược để tinh thần được thư thái
Nam giới hay nữ giới ở mọi độ tuổi đều có thể gặp tình trạng bóng đè. Các yếu tố khác có liên quan là do thiếu ngủ, thay đổi lịch trình ngủ, người mắc chứng căng thẳng, rối loạn lưỡng cực, người lạm dụng chất kích thích... Đặc biệt, bóng đè thường xảy ra khi bạn nằm ngủ ở tư thế ngửa.
Bóng đè không phải là vấn đề gây nguy hiểm cho sức khỏe và thường không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ nếu bóng đè khiến bạn mệt mỏi vào ban ngày, các triệu chứng kéo dài suốt đêm hoặc bạn cảm thấy lo lắng và căng thẳng.
Để giấc ngủ sâu, không rơi vào mộng mị, bạn đừng ăn quá no trước khi ngủ. Bạn nên uống một ly trà thảo dược như hoa cúc hay một ly sữa ấm. Bên cạnh đó, bạn có thể đẩy lùi bóng đè bằng việc ngủ đủ 6-8 giờ mỗi đêm, thư giãn trước khi ngủ bằng cách nghe nhạc, đọc những cuốn sách đem lại cảm giác vui vẻ và thoải mái. Đặc biệt, bạn tránh xem các loại phim kinh dị hay đọc truyện ma quỷ trước khi ngủ để không tưởng tượng rồi bị ám ảnh. Bạn cũng có thể chuyển sang tư thế nằm nghiêng, đặc biệt là lúc bạn tỉnh giấc và ngủ trở lại, bóng đè sẽ không viếng thăm bạn nữa.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét